Chương trình khách hàng thân thiết của Pinkmate

Hơn 300,000+ áo đã được bán

Pinkmate chính thức ra mắt cùng các bệnh nhân ung thư và người thân nhân Ngày của mẹ

(Theo Thanh Niên) – Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam kỷ niệm 10 năm hành trình “Tô lại sắc hồng cuộc sống” đồng hành cùng bệnh nhân ung thư. Dịp này, mạng lưới này cũng ra mắt thương hiệu Pinkmate, nhằm tài trợ áo ngực miễn phí cho những người bị ung thư vú có thu nhập thấp.

9 người mẫu là bệnh nhân ung thư và người thân đã tham gia trình diễn giới thiệu Pinkmmate. Ảnh: Yết Bàng

Tặng phẩm dành cho những bệnh nhân đoạn nhũ

Một trong những hoạt động tại sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) gây ấn tượng và xúc động là sự rạng ngời của những người mẫu – bệnh nhân ung thư vú cùng bạn bè, người thân của họ khi sải bước trình diễn sản phẩm áo ngực Pinkmate. Bởi không ít bệnh nhân đã phải trải qua những ngày đấu tranh với mặc cảm bản thân, vượt qua sự nhút nhát cùng nỗi đau âm ỉ của bệnh tật để bước lên sân khấu, truyền động lực và khát vọng sống cho chính mình và cho người khác.

Chị Nguyễn Thủy Tiên, Đồng sáng lập và điều hành BCNV chia sẻ: “Mọi người có biết là để có tiết mục ngày hôm nay, nhiều người mẫu đã khóc không ạ. Thậm chí, cách đây một đêm thôi, có rất nhiều người mẫu xin rút. Vì vậy, xin một tràng vỗ tay cổ vũ tất cả người mẫu, họ quá tuyệt vời!”.

Cô Hương Trà – một bệnh nhân ung thư trình diễn cùng con trai. Ảnh: Yết Bàng

Theo chị Thủy Tiên, để tạo ra những mẫu áo lót cho bệnh nhân ung thư vú, cá nhân chị phải trải qua 8 năm làm rất nhiều hoạt động hỗ trợ về áo lót cho bệnh nhân. Và trước đây 8 năm, có hàng ngàn phụ nữ ở Việt Nam không thể tìm được một chiếc áo lót cho mình mặc chỉ vì họ không may mắc ung thư vú và phải cắt vú. Chính chị ruột của Thủy Tiên (chị Thương Sobey – sáng lập BCNV) cũng phải cắt đi đôi vú của mình, nhưng không thể tìm được sản phẩm áo lót tại Việt Nam dành cho bệnh nhân ung thư vú. Đó là lý do thôi thúc Thủy Tiên cùng những thành viên BCNV dành nhiều thời gian, tâm sức để học hỏi, thử nghiệm, phối hợp một số nhà sản xuất trong nước thực hiện thành công bước đầu dự án áo ngực Pinkmate.

Dòng áo ngực đặc biệt dành cho bệnh nhân cắt bỏ vú được chú ý thiết kế phù hợp với những tổn thương sau phẫu thuật. Áo có dây đai bản rộng và khuy cài giúp cố định vạt áo, che đi vết sẹo, nám cùng các khuyết điểm vùng ngực do trải qua xạ trị và phẫu thuật. Phần quả ngực bổ sung được may bằng cotton bốn chiều và nhồi bông mềm, nhẹ, có thể điều chỉnh kích thước và dễ dàng đặt vào bên trong áo nhằm tái tạo đường cong vòng một đã mất của bệnh nhân. Toàn bộ lợi nhuận của Pinkmate được xoay vòng sử dụng, với mục tiêu: Mỗi năm, BCNV trao tặng 200 bộ áo lót miễn phí cho bệnh nhân ung thư vú có thu nhập thấp, đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú.

“Mảnh vải nhỏ xinh xắn, mềm mại này chính là sự quan tâm, đóng góp vào hình hài mới xinh tươi và quá trình chữa lành – để bắt đầu một hành trình chuyển hóa mới, nuôi dưỡng tình yêu vào cuộc sống”, chị Thủy Tiên tâm tình.

Từ câu chuyện cá nhân đến mạng lưới lớn mạnh

Với hành trình 10 năm “Tô lại sắc hồng cuộc sống”, BCNV đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là cho cộng đồng bệnh nhân ung thư. Trong đó, không thể không nhắc đến người gieo mầm cho mạng lưới này hình thành và phát triển, đó là chị Nguyễn Khánh Thương, tên thường gọi là Thương Sobey (sinh năm 1982, giảng viên khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Năm 2012, chị Thương Sobey nhận chẩn đoán mình bị ung thư vú giai đoạn cuối, chỉ hai tháng trước lễ ăn hỏi với người chồng Úc.

Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) được thành lập từ năm 2013 bởi Thương Sobey – một bệnh nhân ung thư vú và em gái Nguyễn Thủy Tiên. Ảnh: BCNV

Trong khi người thân còn bàng hoàng với “tin dữ” đó, chị Thương vừa chống chọi căn bệnh ung thư vừa dành tâm sức còn lại thực hiện nhiều hoạt động để xúc tiến lập nên Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam – BCNV). Bởi lẽ thời điểm đó, là người trong cuộc, chị chứng kiến những phụ nữ Việt Nam không may mắc ung thư vú còn thiếu nhận thức về căn bệnh, chưa được chăm sóc tốt về thể chất lẫn tinh thần. Năm 2013, BCNV được ra đời, bằng tình yêu thương và lòng quả cảm “Mạnh hơn nỗi sợ” của người sáng lập là chị Thương Sobey và đồng sáng lập là chị Nguyễn Thủy Tiên (em gái chị Thương).

Nén nỗi đau khi chị Thương Sobey mất vì ung thư vú (tháng 3.2015), Nguyễn Thủy Tiên đã tiếp nối, điều hành và cùng các thành viên mạng lưới xây dựng BCNV lớn mạnh như ngày nay.

Sự kiện còn là không gian gặp mặt của các thành viên của BCNV là bệnh nhân, bác sĩ, người ủng hộ. Ảnh: Yết Bàng

Nhìn lại hành trình 10 năm đồng hành cùng bệnh nhân ung thư, Nguyễn Thủy Tiên xúc động nói: “Mạng lưới ung thư vú Việt Nam được thành lập từ một câu chuyện cá nhân, bởi một điều không may mắn. Và cho đến bây giờ, đã có sự tham gia của hàng trăm hàng ngàn người kiến tạo nên một cộng đồng. Hy vọng rằng hành trình Tô lại sắc hồng cuộc sống sẽ còn được viết tiếp, dài mãi bởi hàng triệu người trên khắp Việt Nam”.

Trong chương trình, bà Sarah Hooper – Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM đã trao giải thưởng “Hoạt động vì cộng đồng” của Chính phủ Úc tặng cho cựu du học sinh Nguyễn Thủy Tiên. Bà Sarah Hooper phát biểu: “10 năm qua, BCNV đã kiên trì bền bỉ trên hành trình nâng cao tỷ lệ phát hiện sớm ung thư vú cho cộng đồng nói chung và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú. Đây thực sự là những nỗ lực quan trọng cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam”.

Trước đó, Nguyễn Thủy Tiên từng được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015), được Forbes Việt Nam bình chọn là Nhà hoạt động xã hội nổi bật dưới 30 tuổi (năm 2016)…